Chùa Kiều Đàm Di


Chùa Kiều Đàm Di Việt Nam tại Vaishali, tiểu bang Bihar do Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh sáng lập nhằm tỏ lòng hiếu đạo đối với Tổ sư Ni Kiều Đàm Di. Ni trưởng tâm nguyện xây dựng ngôi chùa Ni và bảo tháp để thờ Tổ sư Ni và chư Thánh Ni tại Vaishali, nơi các chuyên gia khảo cổ đã tìm ra di tích đức Phật độ cho Tổ sư Ni Kiều Đàm Di cùng 500 người nữ dòng Sakya xuất gia; hương thất của Tổ sư Ni và chư Thánh Ni vào cuối năm 2003.

Tongthe-1.jpg

Đầu năm 2004, Ni trưởng qua Ấn Độ mua đất. Ban đầu Ni trưởng dự định chỉ mua một miếng đất nhỏ khoảng 1.000m2 để dựng một tấm bia khắc hình Tổ sư Ni, chư Thánh Ni và Bát Kỉnh Pháp bằng nhiều thứ tiếng để tưởng niệm. Tuy nhiên, thuận duyên bất ngờ đến, Ni trưởng đã mua được 8.000m2 đất tại Vaishali. 

Muadat.jpg

Lễ Đặt đá xây dựng Ni viện Kiều Đàm Di diễn ra vào ngày 20/10/2004 dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Viên Minh, Hòa thượng Thích Minh Thông và chư Tôn đức Tăng Ni từ Việt Nam. 

LeDatDa.jpg

Đại lễ khánh thành Ni viện Kiều Đàm Di đã được tổ chức trang nghiêm, trọng thể vào ngày 15/3/2008 (nhằm mùng 08 tháng 02 năm Mậu Tý, ngày Vía Tổ sư Ni Kiều Đàm Di) tại Vaishali dưới sự quang lâm chứng minh của Hòa thượng Thích Như Niệm, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thích Thanh Hùng, Hòa thượng Thích Thiện Đức, Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Hòa thượng Thích Thiện Bảo, Hòa thượng Thích Tấn Đạt, chư Tôn đức Tăng Ni Việt Nam và các nước đang làm Phật sự và tu học trên đất Ấn. 

KhanhThanh-1.jpg

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Đại diện các cấp Chính quyền tiểu bang Bihar và quận Vaishali; cùng nhiều giáo sư, sinh viên các trường Đại học tại Ấn Độ đồng tụ hội về tham dự buổi lễ.

KhanhThanh-2.jpg

Sau khi hoàn thành, công trình gồm 3 tầng lầu, dài 40m, rộng 21m.

ChuaKDD.jpg

Chánh điện, điện thờ của Ni viện Kiều Đàm Di được bài trí trang nghiêm, ở giữa là tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền trên đài sen, hai bên tôn trí hai tượng Hộ Pháp. Tượng đức Bồ-tát Quán Thế Âm được tôn trí phía trước gần cổng tam quan. Những tôn tượng này được tạc bằng đá cẩm thạch do các nghệ nhân Công ty Đá Mỹ nghệ Hoàn Hảo, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam thực hiện và chuyển sang Ấn Độ.

111.jpg

Bảo tháp thờ Tổ sư Ni Kiều Đàm Di và chư Thánh Ni được chính thức khởi công xây dựng từ sau Lễ Đặt đá vào tháng 01 năm 2005. Quang lâm chứng minh buổi lễ có Ngài Kyabje Gosok Rinpoche, Hòa thượng Như Điển, Hòa thượng Như Niệm, Hòa thượng Giác Toàn, chư Tôn đức Tăng quốc tế tại Bodhagaya, chư Tăng Ni Việt Nam du học tại Ấn Độ.

DongTho-Thap.jpg

Tháp gồm 3 tầng, cao 37m; đường kính tầng 1 là 30m, đường kính tầng 2 là 20m và đường kính tầng 3 là 16m. Bản vẽ tháp do Kiến trúc sư Hồ Quang Toàn và Kiến trúc sư Bùi Quốc Cường thiết kế thực hiện.

Thap-1.jpg

Tầng 1 thờ đức Tổ sư Ni Kiều Đàm Di và chư Thánh Ni được làm bằng xi-măng giả đá; chung quanh có phù điêu của Chư vị Đại đệ tử Ni. 

Trong-T1.jpg

Tầng 2 thờ tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni và hai Tôn giả Đại Ca-diếp và A-nan-đa được làm bằng xi-măng giả đá. Trên vách phía sau tượng Phật là phù điêu lớn về sự kiện đức Phật đang chuyển pháp luân cho năm vị Thánh đệ tử đầu tiên; chung quanh có bốn si-ma kiết giới. 

Trong-T2.jpg

Tầng 3 thờ đức Phật Thích-ca Mâu-ni bằng đồng theo phong cách Phật giáo Tây Tạng, nặng khoảng 5 tấn, do Ngài Kyabje Gosok Rinpoche cúng dường và bốn tượng Tứ Đại Thiên Vương; trên tường có phù điêu cảnh Tứ Động Tâm. 

ChanhDien3.jpg
   
Trên vách dát 6.000 tượng đức Phật được làm bằng chất polimer, phủ nhủ vàng, kích thước mỗi tượng là 20x25 (cm).

6000tuong.jpg

Mặt ngoài tháp, tầng 1 trang trí các phù điêu về Phật tích; tầng 2 khắc trên đá hoa cương đỏ toàn bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (3 ngôn ngữ - Việt, Sanśkrit, Anh); tầng 3 khắc trên đá hoa cương đỏ Kinh Đại-bát Niết-bàn và các bài kinh quan trọng được đức Phật thuyết tại Vaishali (3 ngôn ngữ -Việt, Anh, Pāli). 

KinhTang.jpg

Trên đỉnh tháp, nơi cao nhất an trí bình cam lồ Xá-lợi của đức Phật.

Thap-Night.jpg

Mặt trong tháp, tầng 1 khắc Bát Kỉnh Pháp và Trưởng lão Ni kệ (3 ngôn ngữ - Việt, Anh, Pāli); tầng 2 khắc Kinh Lăng Nghiêm (3 ngôn ngữ - Việt, Anh, Hoa);       

Trong-T1-2.jpg
Kinh.jpg

Năm 2012, tuy công trình xây dựng bảo tháp chưa hoàn thành song chư Ni Nam tông từ các nước Thái Lan, Mã-lai, Việt Nam, Tích Lan, Nepal, India,… đồng về nơi đây hơn 50 vị an cư dưới sự chứng minh của chư Tôn đức Ni – Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh, Ni trưởng Thích Nữ Như Đức, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Từ, Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên. Vào ngày xả hạ, chư Tôn đức Ni Việt Nam và Tích Lan đã tổ chức Lễ Truyền giới Tỳ-kheo-ni và Sa-di-ni cho chư Ni. Đây là sự kiện thiêng liêng vì ngay nơi chư Ni được đức Thế Tôn cho phép xuất gia hơn 2.500 trước nay tái hiện lại hình ảnh Ni đoàn Phật giáo tu tập thanh tịnh và được chính thức thọ nhận Giới pháp. 

AnCu.jpg

Đầu năm 2013, từ ngày 05 đến ngày 12 tháng 01, Hội nghị Sakyadhita - Nữ giới Phật giáo quốc tế lần thứ 13 với chủ đề “Phật giáo giữa đời thường” được tổ chức tại chùa Kiều Đàm Di, với hơn 50 tham luận của các diễn giả đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội thảo được tổ chức trong thế kỷ XXI về những vấn đề đang được cả thế giới quan tâm với sự có mặt của những người con gái của đức Phật từ năm châu trở về Thánh địa lịch sử đã để lại ấn tượng tốt đẹp sâu đậm cho Phật giáo trong nước và quốc tế. 

HoiNghi.jpg

Bảo tháp hoàn tất và Lễ Khánh tạ diễn ra vào ngày 23 tháng 10 năm 2013 (nhằm ngày 19 tháng 9 âm lịch) dưới sự chứng minh của chư Tôn thiền đức Tăng Ni từ Việt Nam sang và quốc tế.

KhanhThanhThap.jpg

Đây là ngôi Bảo tháp thờ đức Tổ sư Ni Kiều Đàm Di của người Việt lớn nhất trên thế giới. Ngôi Bảo tháp này còn tôn trí tượng Phật nhiều nhất và khắc nhiều bộ kinh với nhiều ngôn ngữ nhất.

ThapHoanThanh.jpg

Sau lễ Khánh Thành Ni viện Kiều Đàm Di ở Vaishali năm 2008, với tâm nguyện xây dựng ngôi tự viện để chư Ni du học sinh có chỗ nương ở tu học, vào tháng 02 năm 2009, Ni trưởng Thích nữ Khiết Minh đã xúc tiến mua 3.000m2 khu đất ruộng tại làng Katorwa, cách Đại Tháp Giác Ngộ gần 4 km.

KDD.jpg

Công trình được khởi công vào cuối năm 2011, cho đến năm 2019 đã tạm hoàn thành với ngôi chánh điện thờ tôn tượng Đức Bổn sư gần cổng chính. (Công trình chưa hoàn tất phần bên trong, do Đại dịch Covid-19)

ChanhDien-2.jpg

Kế đến là hang động thờ tôn tượng Tổ Sư Ni Kiều Đàm Di cùng chư Thánh Ni, công trình được thiết kế bởi Đại Đức Thích Nhuận Đức.

HangDong.jpg

Vào bên trong là 2 toà lầu nơi chư Ni du học sinh ở tu học.

NiVien.jpg

Tâm nguyện của Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh: “Trong tương lai, các Trung tâm Kiều Đàm Di và các cơ sở giáo dục tại bang Bihar, Ấn Độ sẽ là nơi tu học, sinh hoạt, nghiên cứu của chư Ni và nam nữ Phật tử trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ cố gắng hình thành một Kiều Đàm Di viện xứng đáng với ý nghĩa, vai trò lịch sử tâm linh của nơi Ni đoàn được thành lập. Đặc biệt, các hội thảo của người con gái đức Phật (Sakyadhita Conferences) sẽ được thường xuyên tổ chức tại đây, trên mảnh đất thiêng liêng của Ni giới này”.

KetThuc.jpg

Đất Ấn - xứ Phật hiện nay đã có nhiều ngôi chùa Việt của các Hệ phái Phật giáo Việt Nam như: Việt Nam Phật Quốc Tự, chùa Viên Giác, chùa Linh Sơn, chùa Đại Lộc, tịnh xá Minh Đăng Quang… và ngôi phạm vũ uy nghiêm, mỹ lệ Kiều Đàm Di.

The-End.jpg

(Trích: Bài và Ảnh của 
Đại Đức Thích Nhuận Đức và Võ Văn Tường)